Về loài gà cũng có nhiều điềm kiêng kỵ và mê tín. Nuôi gà ác trong nhà sẽ trừ được ma quỷ. Gà ác là thứ gà nhỏ thịt đen, lông trắng, còn gọi là gà ri. Ban ngày, nếu bỗng dưng gà gáy là điềm gở. Phải lập tức giết thịt và đem quẳng đầu gà thật xa để tránh những điềm không hay. Cần phải mời thầy cúng tới cúng giải.
Gà mái gáy là gáy gở: Gáy vào canh một là sẽ có hỏa tai, gáy vào canh hai sẽ có trộm cướp, như tục ngữ nói canh một hỏa tai, canh hai trộm cướp. Người ta còn phân biệt, nếu gà mái gáy gở một tiếng ngắn, làng sẽ bị đạo tặc, nếu tiếng gáy kéo dài, chính chủ nhân sẽ bị tai họa.
Người ta thường vành mỏ gà ra xem, nếu lưỡi gà đỏ là điềm có cháy, nếu lưỡi gà trắng là có trộm cướp. Để giải trừ tai nạn, cần giết thịt con gà đem quẳng đầu nó ra sông. Làm thịt gà thường dùng nước sôi để vặt lông cho dễ, nhưng chỉ là nước lã đun sôi, nếu đem dùng nước đồ xôi mà làm lông gà, sau này trong nhà sẽ không nuôi được gà.
Theo quan niệm dân gian của người Việt bao đời này thì những hiện tượng bất thường như chim sa, cá nhảy, chó tru, gà trống đẻ trứng, gà mái biết gáy… đều là những điềm báo xấu. Có nơi cho rằng gà mái gáy là do bếp bị “động”, hoặc trong nhà sắp có người ốm đau, bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều nhà thấy gà mái gáy là lập tức giết thịt. Thậm chí có nhà cẩn thận hơn còn xem bói, mời thầy cúng về trừ tà…
Tuy nhiên, việc gà mái gáy có phải là điềm báo tin dữ hay không vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Bởi có một số người nói rằng:
– “Ông anh kế bên nhà hồi năm rồi có đến 2 con mái tre biết gáy, ổng sợ xui nên bán có 100 nghìn/con cho 2 thanh niên. Mà từ năm rồi đến giờ thấy cuộc sống 2 người mua vẫn bình thường, có sao đâu”.
– “Con gà mái nhà tôi cũng gáy nhưng nó nuôi con cực giỏi…và rất dữ tợn… Tôi có thấy xui xẻo gì đâu, mà vườn lại thật vui nhất là lúc gần sáng khi nghe tiếng nó gáy”.
Trong thế giới tâm linh, những người tin vào ma, thờ cúng, tin vào sự âm dương và các điềm gỡ thì gà mái gáy là một điều xấu. Nhưng trong khoa học, khi gà mái gáy thì đây là hiện tượng phân hóa giống đực và cái ở gà. Nhưng khi còn nhỏ, sinh vật có thể phát dục theo cả hai hướng đực hoặc cái. Nếu môi trường trong và ngoài đặc biệt có lợi cho sự phát dục theo giới tính ngược lại, nó sẽ sản sinh ra kết quả “quái dị”. Đó là hiện tượng chuyển ngược tính biệt.