1. Một đêm mới rồi, tôi có một giấc ngủ bình thường. Nhưng trong giấc ngủ đó, tôi có một chiêm bao khác thường.
Một số linh mục tôi quen từ cõi chết trở về gặp tôi. Các ngài cho biết là trong tình hình phức tạp hiện nay, người loan báo Tin Mừng cần để ý ba điều này:
Một là hãy đổi mới chính bản thân mình.
Hai là hãy có những tâm tình của Đức Kitô.
Ba là hãy thi hành ý Chúa Cha theo gương Đức Kitô.
Khi thức giấc, tôi cảm nhận được sự bình an vui sướng tràn ngập tâm hồn. Nhìn đồng hồ, tôi thấy 01 giờ 20, bắt đầu ngày 10.7.2012.
Ba điều căn dặn của những người bạn đã chết trở về không có gì mới. Cái mới là ba điều đó đã được các hồn chọn lựa để nhắn gửi tôi, như một nhu cầu cần thiết, để sống đạo, truyền đạo và bênh đạo trong tình hình hiện nay.
2. Thực vậy, điều căn dặn thứ nhất rất cần cho mọi người công giáo Việt Nam, đặc biệt cần cho các giáo sĩ tại Việt Nam hôm nay.
Hiện nay, đang nổi lên phong trào đòi đổi mới xã hội và Giáo Hội. Đòi hỏi đó là đúng.
Nhưng, để được thế, hãy bắt đầu bằng sự mỗi người chúng ta hãy lo đổi mới chính bản thân mình. Nhất là những ai đòi hỏi, phê phán, kết án những người khác là không đổi mới, thì hãy nêu gương bằng việc đổi mới chính bản thân mình trước.
Theo Phúc Âm, đổi mới bản thân mình là đoạn tuyệt với tội lỗi và tuân giữ các điều Chúa dạy. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình” (1 Ga 1,8). “Ai nói rằng mình biết Chúa, mà không tuân giữ các điều răn của Người, thì đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2,4).
Để có thể đổi mới chính mình, chúng ta rất cần đón nhận ơn đổi mới từ Chúa. Nhưng “Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, mà chỉ ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Sẽ là thiếu khiêm nhường, nếu chúng ta tự coi mình là đạo đức hơn những người khác, nhất là hạ thấp những ai không công giáo như ta.
Điều quan trọng mà Công đồng Vatican II chủ trương là đổi mới. Nhưng đổi mới mà Công đồng Vatican II nhấn mạnh hơn hết chính là đổi mới chính bản thân mình, cả về cá nhân, cả về cơ chế. Đổi mới theo mô hình Đức Giêsu Kitô.
Đổi mới bản thân như thế sẽ chỉ thực hiện được, nếu chúng ta có thiện chí và kiên trì phấn đấu.
3. Điều thứ hai các hồn trở về nhắn gởi tôi là hãy có những tâm tình của Đức Giêsu Kitô.
Nghe lời nhắn nhủ này, tôi hiểu là tình hình hiện nay đòi người công giáo phải làm chứng cho Chúa một cách đặc biệt bằng những tâm tình của Chúa Giêsu.
Tâm tình nổi bật nhất của Chúa Giêsu là yêu thương.
Chúng ta sẽ làm chứng cho yêu thương của Chúa bằng cái tâm của chúng ta tràn đầy những tâm tình, mà Chúa Giêsu nói về Tám mối phúc. Đó là khó nghèo, hiền lành, vui lòng chịu khổ, khao khát nên công chính, xót thương người, trong sạch, xây dựng hòa bình, vui chịu bách hại về sống công chính (x. Mt 5,3-10).
Chúng ta sẽ làm chứng cho yêu thương của Chúa bằng việc chúng ta thi hành đúng điều răn mới mà Chúa trối lại trong bữa tiệc ly. “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 14,34).
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng một tâm tình yêu thương dấn thân phục vụ và hy sinh đến chính mạng sống mình.
Đồng bào Việt Nam hôm nay đợi chờ những tâm tình yêu thương như thế. Các tôn giáo bạn tại Việt Nam rất nhạy bén về sự đợi chờ đó. Còn chúng ta thì sao? Tôi nghĩ là chúng ta đã và đang sống yêu thương. Nhưng thiết tưởng là chưa đủ. Trong bổn phận làm chứng cho yêu thương của Chúa, chúng ta đã có những chậm trễ, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, đôi khi đã có cả những sai lầm, thậm chí cũng đã có một số phản chứng.
4. Phản chứng nặng nề nhất không phải chỉ trong đời sống xã hội, mà ngay trong nhà thờ và trước bàn thờ. Xưa tiên tri Hôsê nói: “Ephaim làm thêm bàn thờ để phạm tội. Những bàn thờ này đã nên dịp tội cho nó” (Hs 8,11). Nay cũng xảy ra như thế ở một số nơi. Người ta đã dùng bàn thờ để chia rẽ, để kích động hận thù, để loại trừ nhau.
Lỗi nặng nhất trong yêu thương là nhiều người chúng ta thiếu tâm tình lo cho phần rỗi các linh hồn. Lo cứu rỗi nhân loại, đó là sứ vụ yêu thương của Chúa Giêsu.
5. Điều thứ ba các hồn trở về nhấn mạnh là hãy thực thi thánh ý Chúa Cha, như Đức Giêsu Kitô đã nêu gương.
Khi đề cập đến Đức Kitô thực thi ý Chúa Cha, tôi nhớ tới lời Kinh Thánh trong thư gởi Do Thái. “Khi vào thế gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con… Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến thân mình làm của lễ, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,5-7.10).
Tôi hiểu ý Chúa Cha muốn nơi tôi, là tôi phải thông hiệp vào lễ tế của Đức Kitô, như lời thánh Phaolô viết: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Kitô, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi thân mình của chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa, vì Đức Kitô, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,10-11).
6. Hiện nay, tinh thần hưởng thụ đang dâng cao, tràn rộng vào Hội Thánh. Các môn đệ Chúa cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người trong hàng tư tế bị cuốn trôi theo. Thánh ý Chúa Cha trước hết là mọi thánh lễ trên bàn thờ phải được cử hành sốt sắng, đúng với thánh lễ đền tội xưa của Chúa Giêsu. Đồng thời, chính vị cử hành thánh lễ bàn thờ và những người tham dự cũng phải là của lễ đền tội, để cùng với của lễ của Chúa Giêsu, mà đền tội cho mình và cho người khác.
Nhu cầu chính mình trở thành của lễ đền tội đòi chúng ta phải có một cuộc sống rất khác với đời sống hưởng thụ.
Ý nghĩa tôi cảm nhận được rõ ràng ngay khi vừa tỉnh giấc là thấy sự hiệp thông giữa các linh mục chúng tôi rất sống động. Người này nhắc nhủ cho người kia. Cả đến những người đã sang cõi bên kia cũng vẫn tìm cách nhắc nhủ cho người còn sống.
Một ý nghĩa nữa tôi cũng cảm nhận được rõ ràng là cuộc sống hôm nay tại Việt Nam, tuy rất phức tạp, nhưng vẫn mang nhiều hy vọng. Người công giáo Việt Nam, nhất là các giáo sĩ tại Việt Nam, sẽ không là người rao giảng sự quá lạc quan hay quá bi quan, nhưng hãy là người của niềm hy vọng, luôn rao giảng niềm hy vọng. Hy vọng căn cốt nhất là nơi Đức Giêsu Kitô, mà họ là nhân chứng. Họ làm chứng về sự cần thiết phải cầu nguyện, phải suy gẫm Lời Chúa và phải kết hợp mật thiết với Chúa.
8. Với những ý nghĩa đó, tôi hết lòng cảm tạ Chúa đã nhỏ nhẹ nhắn gởi tôi những điều cần thiết, để tôi cũng lại chia sẻ nhẹ nhàng cho nhiều người khác.
Qua chiêm bao vừa kể, tôi nhận ra sự thật này: Tôi chỉ là chiếc bình sành mỏng manh, nếu có gì tốt là do Chúa ban. Như lời thánh Phaolô quả quyết: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,7).
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa hết lòng. Xin Chúa luôn tha thứ và đỡ nâng con. Vì con là kẻ yếu đuối, mọn hèn. Con xin hết lòng tin cậy nơi lòng thương xót Chúa.